Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử lý kỷ luật
![](https://quangngai.dms.gov.vn/documents/45172/69989215/20_Sep_2024_084112_GMT1.jpg/1a12cca2-86dd-420e-9229-5cdbf2d347a1?version=1.0&t=1726821672796)
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (Chỉ thị);
Theo Chỉ thị nêu, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông, góp phần làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn hơn.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra vi phạm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (vi phạm nồng độ cồn).
Cá biệt có một số trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, chống đối, không hợp tác việc kiểm tra, giải quyết của cơ quan chức năng, gây bức xúc trong Nhân dân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
Định kỳ hàng năm, các cơ quan phải tổng hợp kết quả kỷ luật người vi phạm nồng độ cồn, báo cáo Thủ tướng. Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn hoặc xử lý người vi phạm nồng độ cồn không nghiêm minh sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn các đơn vị xử lý cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng Công an chỉ đạo lực lượng trong ngành khi xử lý vi phạm giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.
Cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm nồng độ cồn phải xác minh nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì thông báo về cơ quan quản lý họ để kỷ luật. Việc thông báo cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn về cơ quan từng được Thủ tướng yêu cầu từ tháng 4/2023.
Với những người vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông hoặc chống đối, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ, công an sẽ lập hồ sơ, điều tra, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án xử lý.
Bộ trưởng Quốc phòng được giao chấn chỉnh toàn quân gương mẫu, không lái xe sau khi uống rượu bia; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn do người và phương tiện quân đội gây ra. Quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng vi phạm nồng độ cồn hoặc không hợp tác khi bị xử phạt, cần bị kiểm điểm, xử lý.
Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận động bạn bè, người thân và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn./.