Công tác đảm bảo hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
![](https://quangngai.dms.gov.vn/documents/45172/76687100/7_Jan_2025_084353_GMT1.jpg/cee6a0fa-dde2-18f9-a2b3-b44403ce37ec?version=1.0&t=1736239433868)
Sáng ngày 07/01/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo và chỉ đạo về công tác đảm bảo hàng hóa và bình ổn giá thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với sự tham dự của lãnh đạo Sở Công Thương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, hệ thống siêu thị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Dự báo, nhu cầu tiêu dùng, sức mua dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh ước tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 10-20% so với ngày thường (riêng Siêu thị Go! Dự kiến tăng 30-35%).
Từ quý III/2024, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ. Riêng hệ thống các siêu thị đã dự trữ tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đưa ra một số chương trình khuyến mãi, chiết khấu, giảm giá các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng cao để người dân quan tâm mua sắm, kích cầu tiêu dùng.
Đại diện lãnh đạo Cục QLTT tỉnh báo cáo phát biểu tại cuộc họp
Đến nay, Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gồm 11 doanh nghiệp; trong đó 04 siêu thị, 02 doanh nghiệp sản xuất với tổng giá trị hàng dự trữ 1.694.173.000.000 đồng; 05 doanh nghiệp phân phối xăng dầu với sản lượng dự trữ 11.560 m3 xăng dầu, 15.820 m3 dầu Diesel.
Đại diện doanh nghiệp Siêu thị Coopmart báo cáo tình hình dự trữ hàng hóa tại cuộc họp
Tính đến tháng 12/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng 16 điểm bán hàng Việt cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, 09 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại 13 huyện, thị xã, thành phố nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường; đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều để chủ động có phương án điều tiết hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Tập trung giúp công nhân, người có thu nhập thấp, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn hàng Tết dồi dào, giá cả hợp lý. Tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách được đón Tết đầm ấm, đầy đủ.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị dự trữ đầy đủ, có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhất là ở huyện đảo Lý Sơn. Đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng.
Các lực lượng chức năng, địa phương phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025./.